Skip to main content

Nhà phố ở bỉ

Viết bởi KTS Phạm Mai Hương – Intl.Assoc.AIA / PMH Studio

Nhà phố là một loại hình kiến trúc khá đặc thù ở các thành phố lâu đời. Ở châu Âu khi đến bất cứ thành phố nào bạn cũng sẽ đều nhìn thấy nhà phố. Nhà phố châu Âu thường rất cổ kính vì chúng được xây cách đây trên dưới một thế kỷ, và chỉ rất ít được xây vào thời kỳ gần đây. Nhà phố ở châu Âu gắn liền với các dòng kiến trúc nên chúng rất đẹp và có giá trị cao về mặt kiến trúc. Nhà phố nhỏ về quy mô nhưng lớn về số lượng nên chúng đóng vai trò rất lớn đến kiến trúc chung của một thành phố. Thành phố nào càng có lịch sử lâu đời thì càng có nhiều nhà phố. Nước Bỉ nằm tại trung tâm châu Âu và các ngôi nhà phố ở đây cũng có rất nhiều điều để kể.

Chụp bởi KTS Phạm Mai Hương – PMH Studio

Nước Bỉ, trung tâm của châu Âu và được tạo nên do sự hợp thành bởi ba vùng dân cư: vùng dân cư nói tiếng Hà Lan, vùng dân cư nói tiếng Pháp và một vùng nhỏ nói tiếng Đức. Tôi đã có một thời gian sinh sống ở vùng Wallonie, vùng nói tiếng Pháp ở miền nam nước Bỉ và đi học tại vùng Flanders nói tiếng Hà Lan, và đó là dịp tôi đã tìm hiểu về các ngôi nhà ở tại hai vùng này.

Khoảnh khắc đầu tiên tới Bỉ tôi thấy đất nước này thật là cổ kính. Hai bên đường sẽ nhìn thấy đủ các dòng kiến trúc từ thời Gothic, Phục Hưng, Ottoman, Tân Cổ điển cho đến thời kỳ Hiện đại. Nhà cửa phố xá đều là nhà cũ được xây dựng từ rất lâu với mặt tiền phần lớn được ốp gạch màu trầm nên lại càng cổ kính.

Chụp bởi KTS Phạm Mai Hương – PMH Studio

Nhà phố ở Bỉ được hình thành từ các quy hoạch lâu đời của thành phố, xuất hiện dọc theo các đường phố chính từ những ngày đầu hình thành thành phố. Có những con đường tồn tại từ những thế kỷ thứ 10, 12 thì đến nay vẫn tồn tại và những ngôi nhà vẫn tồn tại ở đó cho đến ngày nay (tuy là có nhiều lần được xây dựng lại). Điều này khá giống với khu phố Tây gần trung tâm và nhà phố điển hình của Hà nội.

Quy mô của các ngôi nhà phố ở Bỉ cũng khá gần với nhà của Hà nội, đó là dạng nhà ống. Nhà của Bỉ thường có đủ hai mặt thoáng, mặt trước hướng ra đường, mặt sau có vườn. Tất cả các ngôi nhà đều có vườn do lối sống của người Bỉ gắn với ngoài trời rất nhiều vào mùa xuân và mùa hè. Họ bị hạn chế ra ngoài nhiều vào mùa đông nên khi thời tiết âm áp họ sẽ luôn tổ chức ăn uống ngoài trời, chăm Sóc vườn tược và trẻ con sẽ có sân sau để chơi và nghịch. Với lối sống đó thì một căn nhà phố sẽ chiếm khoảng 60-70m2, và phần tương tự hoặc gấp đôi sẽ dành cho sân vườn phía sau. Mỗi ngôi nhà cao từ ba, bốn và có thể đến năm tầng (là tầng áp mái) và có thêm một tầng hầm mà người Bỉ hay gọi là hang. Thường thì sẽ là cao ba tầng. Khu vườn sau nhà thực sự là lá phổi của ngôi nhà vì mỗi sáng thức dậy bạn sẽ được ngắm cỏ cây hoa lá, mở cửa đón luồng không khí tươi sạch vào nhà, đặc biệt vào mùa xuân bạn sẽ được chiêm ngưỡng muôn hoa khoe sắc trong vườn và mùa đông thì tuyết phủ trắng thật là đẹp.

Khu vườn sau nhà nhìn từ tầng hai xuống thấy mùa xuân muôn hoa khoe sắc
Chụp bởi KTS Phạm Mai Hương – PMH Studio.

Trước đây nhà phố thường dành cho một gia đình ở, đến thời kỳ hiện đại do lối sống và xã hội thay đổi, người độc thân nhiều hơn nên nhà phố được chia mỗi tầng thành một căn hộ riêng và cho nhiều người thuê.

So sánh với căn nhà phố ở Việt nam vào thời Pháp thuộc ở các thành phố lớn chúng ta cũng sẽ thấy có nhiều điểm tương đồng. Ví dụ ngôi nhà 48 Hàng Ngang (nơi Bác Hồ viết bản tuyên ngôn độc lập) là một ví dụ điển hình của nhà phố thời Pháp thuộc, sẽ thấy rất giống về quy mô với căn nhà phố tại Bỉ.

Về thiết kế kiến trúc những ngôi nhà phố này thì theo lối châu Âu hơn và khá khác thiết kế nhà phố ở Việt nam. Nhà phố ở Bỉ có diện tích lớn từ 60-70m2 và họ phân chia lô đất khá rộng, nhỏ nhất là 4,5m, và thường là 5 đến 6m cho chiều ngang. Do đó bố trí cơ cấu phòng thường là cầu thang, phòng tắm và bếp ở một phía, hai phòng lớn sẽ làm phòng khách, phòng ăn, hay phòng ngủ sẽ nằm về một bên. Thường cầu thang nằm giữa nhà để nhường cho các phòng chức năng có sự tiếp xúc với bên ngoài để có ánh sáng tự nhiên. Hai phòng lớn nếu là phòng khách và phòng ăn đặt liền kề và đó là cơ hội để có thể thông cả hai phòng và trong nhà sẽ luôn tràn ngập ánh sáng và cũng rất dễ đang đón gió trời vào.

Từ quy hoạch phân lô ban đầu cho đến cách thiết kế nhà phố trên mặt bằng đảm bảo cho người ở có được một môi trường sống đảm bảo tiêu chuẩn tối tiểu về ánh sáng, thông gió và chuẩn về diện tích tối thiểu.

Chụp bởi KTS Phạm Mai Hương – PMH Studio

Chụp bởi KTS Phạm Mai Hương – PMH Studio

Nhà phố ở Bỉ thường là nhà được xây từ lâu nên gắn với nhiều trường phái kiến trúc cổ điển, nhưng điển hình vẫn là Tân cổ điển và Hiện đại (Modernisim). Những mẫu nhà Gothic, Phục Hưng chỉ còn rất ít. Mẫu nhà Baroque thì còn tương đối và nhiều hơn ở vùng Flanders. Một số mang phong cách Ottoman thời thế kỷ 14-15. Và một số tương đối căn nhà của thời Art Deco và Art Nouveaux. Nét đặc trưng trên mặt tiền nhà phố là sự chia đều hay chia đối xứng phương vị đứng để đặt các yếu tố cửa sổ ở các tầng trên và cửa đi chính hay cửa gara ở tầng dưới; hoặc tạo một sun window (ô cửa bật ra khoe mặt tiền) để làm điểm nhấn. Tầng áp mái thì luôn vát nghiêng vào trong và sắp xếp một số cửa mái. Mặt tiền vẫn tuân theo các quy tắc của kiến trúc cổ điển với các đường gờ phào phân định các tầng; hệ thống các đường bo trang trí viền cửa sổ và đặc biệt là chi tiết trang trí cửa ra vào chính. Hơn một nửa các nhà vẫn còn nguyên hiện trạng deco của các dòng tân cổ điển, số còn lại là nhà được xây theo dòng kiến trúc Hiện đại (Modernism) và Art Deco của những năm 20-30 của thế kỷ trước, và rất ít các nhà được xây cách đây 10-20 năm. Những ngôi nhà Modernism thường thì khá giản dị bởi lối kiến trúc đó, theo tháng năm nó xuống cấp và vật liệu bạc màu nên chúng không còn hấp dẫn như chính những ngôi nhà tâm cổ điển.
Những ngôi nhà được xây mới thì trông sẽ hiện đại hơn. Song vì nằm trong một dãy nhà phố lâu đời nên ngôi nhà mới đó vẫn phảng phất tỉ lệ và cách trang trí mặt tiền, và được ốp các vật liệu mới nên vẫn rất ăn nhập với khung cảnh chung.

Chụp bởi KTS Phạm Mai Hương – PMH Studio

Các hệ thống cửa sổ và cửa ra vào thì đã được thay đổi chất liệu nhiều trong thời gian tồn tại của ngôi nhà. Hiện nay phần lớn các nhà phố này đều sử dụng hệ cửa khuôn nhôm kính cách âm và cách nhiệt. Sự thay đổi này làm cho những ngôi nhà này thêm phần hiện đại và khá phù hợp với thời điểm hiện đại. Bạn hãy nhìn những gam màu ghi trầm của về mặt tường ngoài và các khuôn nhôm màu cảm vàng và nâu hay trắng đều thấy sự hợp màu nên mặc dù đó là một ngôi nhà cũ nhưng vẫn rất đẹp. Bên cạnh màu ghi trầm thì tường ngoài còn đc đặc trưng bởi màu đỏ nâu của gạch trần kết hợp với đường viền trang trí màu ghi sáng. Chất liệu gạch này là gạch nguyên bản và rất bền nên sau một thời gian dài cả thế kỷ bề mặt vẫn đẹp và không bị phai màu. Đây là một thực tế giống như gạch trần đã được xây cho Nhà thờ Đức bà kẻ Sài Gòn, nhà thờ vẫn đẹp với chất liệu gạch nguyên bản đó cho đến tận ngày nay và chắc chắn nó sẽ còn đẹp mãi.

Về hệ thống cửa của các nhà phố của Bỉ có một điểm rất thú vị, đó là cạnh cửa của nhà nào cũng có một ô tầm 30x30cm lõm vào, vòng bo bên ngoài là một thanh thép tròn hoặc thép dẹt. Tôi để ý mãi mà không thể tự trả lời được nên đã đến gặp bà chủ nhà nơi tôi thuê. Bà đã giải thích là trước đây mọi con đường của Bỉ đều bằng đất, mỗi lần đi đâu về là giày đều lấn bùn nên mọi người cần gạt bùn đi cho sạch trước khi bước vào nhà. Và thanh thép và chỗ lõm đó là để cho việc gạt bùn đất từ giày trước khi vào nhà.

Chụp bởi KTS Phạm Mai Hương – PMH Studio

Vật liệu xây dựng nhà của Bỉ đều rất tốt. Thềm nhà luôn bằng đá nguyên khối hoặc bậc bê tông xi măng chắc và bền hiện nhiều so với gạch ốp đá. Tất cả các bậy cửa đều được tấm ốp đá dày 2cm, hoặc chất liệu bê tông xi măng. Tầng áp mái và mái nhà hầu như được dán đá phiến mỏng, loại giống đá Sơn La ở Việt Nam nên bề mặt rất đẹp và bền theo thời gian. Nếu nhà nào có lan can ban công bằng sắt thì chúng cũng là những đồ nguyên bản, đến giờ thép vẫn còn rất tốt. Có những lan cần của thời Art Nouveaux hay thời Art Deco đều rất đẹp về tỉ lệ và đường nét uốn lượn. Ngày nay một số nhà phố dành tầng một làm cửa hàng buôn bán. Những nhà này hỏi có sửa sang một chút kẻ mặt tiền tầng một song phần lớn vẫn giữ các cấu kiện chính vẫn giữ lại. Hỏi có thể thêm vật liệu mới hay thay đổi màu song vẫn giữ được vẻ cổ kính nguyên sơ.

Khi trải nghiệm nhà phố ở Bỉ, tôi lại liên tưởng đến nhà phố ở Việt nam. Hai nơi có hình thức quy mô gần giống nhau song cũng có nhiều điểm giống nhau và khác nhau.
Giống nhau từ quy mô sắp xếp không gian nhà: lối vào chính, nhà, sân trong, sân sau….; sự tương đồng về Style thiết kế trong dòng lịch sử của Kiến trúc.
Điểm khác lớn nhất là vật liệu xây dựng, nhà kết Việt nam chủ yếu xây bằng gạch, trát vữa và sơn màu vàng hoặc trắng, điều này là do khí hậu quyết định. Vật liệu hoàn thiện nhà ở Bỉ được lựa chọn có vẻ đẹp và bền hơn vật liệu ở Việt nam. Cho nên sau hơn 100 năm các ngôi nhà ở Bỉ vẫn còn tốt , còn nhà ở Việt nam xuống cấp trầm trọng và bị hỏng hóc gần như toàn bộ, có nhà còn bị đổ sập xuống. Yếu tố khí hậu cũng là một nguyên nhân vì trong môi trường nhiệt đới ẩm dễ bị ẩm mốc và bào mòn.

Những trải nghiệm rất thú vị về kiến trúc nhà phố của Bỉ cho thấy những ưu điểm trong thiết kế nhà phố và cách xây dựng của họ. Đó là những kinh nghiệm mà tôi cũng như các KTS khác có thể học hỏi và áp dụng trong công việc thiết kế của mình.

© 2024 PMH STUDIO. Designed by PMH STUDIO and Developed by LinxHQ Vietnam.