Skip to main content

Berlin – Thủ Đô Của Kiến Trúc Hiện Đại

Chụp bởi : KTS Phạm Mai Hương – PMH Studio, 2008.

Vào những ngày giữa tháng 3 năm 2008, nhận được lời mời dự lễ bảo vệ tốt nghiệp của hai vợ chồng người bạn đang học thiết kế Kiến Trúc tại Technology University of Berlin, tôi chuẩn bị lên đường ngay bởi vẫn được biết rằng Berlin là một thành phố đẹp và hiện đại của Châu Âu. Đúng như những gì mình mong đợi, Berlin đã làm tôi thật ngạc nhiên bởi thành phố như là một cuốn sách kiến trúc sống với sự đa dạng về các dòng Kiến trúc cũng như các thiết kế kiến trúc tiêu biểu của các Kiến trúc sư nổi tiếng thế giới; một thủ đô mang nhiều dấu ấn lích sử và văn hoá; một tấm áo Kiến trúc được hợp thành từ các mảnh vá “tuyệt hảo”.

Berlin được hình thành vào năm 1307 từ hai thành phố thương mại lớn bên bờ sông Spree, Colln và Berlin. Thành phố phát triển êm đềm kể từ đó, phần lớn thời gian là dưới sự lãnh đạo của các thành viên gia đình dòng họ Hohenzollern, cho đến những năm cuối của cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai. Năm 1943, Berlin bắt đầu hứng chịu những trận ném bom đầu tiên của quân Đồng Minh, và đến tháng năm 1945, cùng với sự sụp đổ của Phát Xít Hitler, Berlin đã bị quân Đồng Minh và Hồng Quân Liên Xô thâu tóm. Lúc này nội thành Berlin bị tàn phá gần như hoàn toàn, chi riêng ngoại ô vẫn còn giữ được một phần. Kể từ sau cuộc chiến tranh người này, và mặc dù suốt mấy chục năm tiếp theo thành phố vẫn bị chia cắt, người Berlin đã xây dựng lại thành phố của họ từ con số không. Giờ đây khi đứng giữa một thành phố hiện đại và đẹp , tôi cảm thấy hiểu hơn và rất khâm phục tinh thần và trí tuệ của người Đức.

Berlin là một cuốn sách sống về thiết kế kiến trúc hiện đại

Neu National Gallery Berlin – KTS Mies Van de Rohe. Chụp bởi: KTS Phạm Mai Hương, PMH Studio, 2008.

Ngay từ khi bước chân ra khỏi nhà ga trung tâm Berlin, tôi thật sự hào hứng khi nhìn thấy thấp thoáng bóng dáng của các công trình quen thuộc trên sách vở. Càng đi sâu vào trung tâm những hình ảnh quen thuộc đó như được hiện dần ra trước mắt. Dường như Berlin là một cuôn sách Kiến trúc sống về tất cả các trường phái Kiến trúc với minh họa thực tế bởi các thiết kế kiến trúc của các tên tuổi lẫy lừng nhất.

Tôi đang được ôn lại về các ví dụ tiêu biêu của hầu hết các trường phái thiết kê kiến trúc hiện đại từ Modernism (chủ nghĩa Hiện Đại) với National Galery của Mies Van de Rohe, Bauhaus Museum của Walter Gropius; Expressionism (chủ nghĩa Biểu Hiện) với Berlin Philharmonie của Hans Scharoun (Đức); European Rationalism (chủ nghĩa Duy Lý châu Âu) với một tổ hợp nhà ở của Mario Botta (Ý); Post Modernism – (Chủ nghĩa Hậu Hiện Đại) đây là trường phái kiến trúc đặc trưng của người Mỹ trong những năm 1980 với một ví dụ tiêu biểu là Toà Đại Sứ Quán Mỹ của KTS người California Moore Ruble Yudell. Công trình gây ra nhiều tranh cãi và sự bài trích từ người dân và báo giới chuyên môn Berlin bởi một vẻ bề ngoài to lớn, các hình khối dữ dội vốn phản ánh tính an ninh của tất cả các toà đại sứ Mỹ nhưng điều này lại không được chấp nhận trong một thành phố giữa lòng châu Âu cũ ; High Tech (chủ nghĩa Kỹ thuật cao) với một loạt các công trình của Sir Norman Foster, Helmut Jahns, Renzo Piano; và ấn tượng nhất là các công trình của các Kiến trúc sư Deconstruction (chủ nghĩa giải toả kết cấu) như Daniel Liebskind và Peter Eisenman.

Công trình Berlin Philharmonie (trái) và Tổ hợp văn phòng ở Postdams Platz. Chụp bởi KTS Phạm Mai Hương – PMH Studio, 2008.

Công trình của KTS Frank Gherry. Chụp bởi KTS Phạm Mai Hương – PMH Studio, 2008.

Các thiết kế kiến trúc tiêu biểu của Berlin tập trung chủ yếu tại hai trung tâm lớn, khu trung tâm văn hoá, chính trị và lịch sử chính là khu trung tâm đã tồn tại từ bao đời nay của Berlin và Postdam Platz.

Tại đây ngoại trừ rất ít các công trình theo chủ nghĩa Cổ Điển còn tồn tại như toà Quốc hội Berlin và Hòn Đảo các Bảo tàng nghệ thuật, các công trình đều được thiết kế và xây mới. Mặc dù nằm dưới lớp vỏ bọc hiện đại nhưng mặt đứng đường phố vẫn phảng phất tinh thần và linh hồn của một thành phố cổ bằng cách xử lý mặt đứng và tầng mái kết thúc tại đỉnh các công trình. Đây là điều rất đặc biệt của phần lớn các thành phố châu Âu, nơi mà cái cũ và cái mới cùng tồn tại song song và bổ trợ lẫn nhau trong hoàn cảnh đô thị hiện đại.

Trung tâm mới Postdam Platz, nằm cách đó không xa là trung kinh tế thương mại mới của Belin, do đó sức mạnh kinh tế được phô trương rất mạnh mẽ bằng các thiết kế táo bạo và cách sử dụng vật liệu phong phú và rất trang nhã. Tại đây là một tổ hợp cao ốc của KTS Renzo Piano với những lớp vỏ bọc công trình rất Kỹ thuật cao và trang nhã. Cũng không thể bỏ qua Sony Center của Helmut Jahn với kết cấu dàn thép hiện đại. Ngoài hai công trình lớn trên các công trình khác của Postdam Platz đều đạt được những tiêu chuẩn cao trong thiết kế không gian kiến trúc, kết cấu và vật liệu.

Ảnh chụp bởi KTS Phạm Mai Hương – PMH Studio, 2008.

Dừng chân tại khu Ngoại Giao (Diplomatic Quarter) nơi đặt trụ sở Đại sứ quán của các nước, chúng ta sẽ được trải nghiệm những cảm xúc khác nhau của các dân tộc trên thế giới, từ những cảm xúc vui vẻ, sôi nổi toát ra từ mặt đứng với hệ thống các tấm chắn nắng nhiệt đới của Tòa Đại sứ quán Mehicô, đến những cảm xúc sâu lắng, nhẹ nhàng thanh thoát của Toà Đại sứ quán năm nước Bắc Âu; từ hồn nước Taj Mahal và vẻ đẹp của đá marble được cảm nhận qua thiết kế kiến trúc của Đại sứ quán Ấn Độ đến một tấm mái truyền thống của người Hàn Quốc được tất cả người dân Berlin chiêm ngưỡng mỗi khi có dịp qua đây.

Ảnh chụp bởi KTS Phạm Mai Hương – PMH Studio, 2008.

2- Ấn tượng những thiết kế kiến trúc của các công trình Bảo tàng và Đài tưởng niệm

Berlin đã là thủ đô của nước Đức từ ngàn năm nay, dù đã trải qua nhiều biến cố lịch sử, vì thế nó chứa đựng một kho tàng lớn các công trình văn hoá lớn và tiêu biểu như các nhà hát lớn, các bảo tàng nghệ thuật, lịch sử, vân vân. Ấn tượng nhất trong các công trình văn hoá của Berlin là hệ thống các bảo tàng và đài tưởng niệm bởi các thiết kế kiến trúc độc đáo của công trình này ở Berlin. Cũng giống các quốc gia châu Âu khác, Berlin dành những toà nhà theo Chủ nghĩa Cổ điển còn lại từ sau chiến tranh để làm các bảo tàng. Tuy nhiên, trong lịch sử hiện đại của nước Đức, những biến cố trong Thế chiến thứ hai đối với người Do Thái đã là những dấu ấn lớn và giờ đây là khởi nguồn tạo nên hai tác phẩm Kiến trúc nổi tiếng, đó là Bảo tàng Do Thái của Kiến trúc sư Daniel Liebskind (2003), và Đài tưởng niệm Holocaust (các cuộc thảm sát của Phát xít Đức với người Do Thái) của Kiến trúc sư Peter Eisenman (2006). Mặc dù đã được đọc về hai bảo tàng này nhưng tôi đã không khỏi hồi hộp khi được tận mắt chứng kiến.

Bảo tàng Do Thái Berlin (Berlin Jewish Museum).

Ảnh chụp bởi KTS Phạm Mai Hương – PMH Studio, 2008.

Những hình ảnh đầu tiên đập vào mắt là một khối mang zigzag cao khoảng hai tầng đầy những nhát chém sắc nhọn và sâu trên bề mặt bọc vật liệuTitan. Một sự lôi cuốn đặc biệt làm cho ai cũng phải muốn vào xem cái gì đang diễn ra bên trong nó. Và quả là không làm giảm đi sự mong đợi, bảo tàng làm khách tham quan trải qua từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Từ cửa vào chính, khách tham quan sẽ đi xuống một cầu thang hiện đại để đi xuống tầng dưới, nơi đây sẽ bẵt đầu cuộc viếng thăm. Nhưng khách tham quan sẽ bị lẫn lộn một lúc để xác định hướng mình sẽ tham quan bởi cùng lúc tại đây có tới ba hướng đi, như Kiến trúc sư Daniel Libeskind gọi là ba trục chính dẫn đến những bi kịch khác nhau kể về sự mất mát của người Do thái tại Đức trong Chiến tranh Thế giới lần thứ hai; đó là Galeries (Khu trưng bày), Axis of Exile (Trục đến Khu vườn chạy trốn), Axis of Holocaust (Trục Holocaust- Lò thảm sát).

Với tôi, tôi đã rất tò mò bởi một cầu thang khá cao, càng leo lên càng bị thu hẹp lại và trên đỉnh đầu treo đầy những thanh bê tông ngang dọc khiến khách tham quan càng đi lên càng cảm thấy bị ngột ngạt và sợ hãi. Khi đã lên đến đỉnh trên cùng và nhìn xuống mình mới thấy đó là cả một con đường dài, đầy gian nan và nhiều nguy hiểm. Điều này làm cho tôi hình dung đến con đường “đầy khổ ải” của những người Do Thái đầu tiên đã trải qua trước khi đặt chân lên nước Đức để bắt đầu một trang sử dân tộc đáng nhớ .

Khách tham quan ngay sau đó sẽ được dẫn đến các phòng trưng bày về lịch sử, văn hoá, giáo dục và những thành tựu mà họ đạt được. Không gian trưng bày nằm dọc theo chiều của đường zigzac, các bộ sưu tập của bảo tàng rất đẹp, đầy đủ, và xúc động nhất là nhiều bằng chứng sống của các nạn nhân trong các cuộc thảm sát của phát xít Đức. Thỉnh thoảng bạn sẽ phải dừng lại tại những khoảng trống kéo dài suốt cả hai tầng cao, bạn sẽ nhìn chăm chú vào một cái gì đó không rõ và suy nghĩ miên man về những gì đã xem, đó lã những “Khoảng trống” (Void), hay như Libeskind nói, đó là những “khoảnh khắc của riêng ông”; hay khách tham quan có thể sẽ bị cuốn hút bởi những thanh cửa sổ, chính là những “nhát chém” nhìn từ bên ngoài, từ đó ta sẽ nhìn thấy cảnh quan bên ngoài của thành phố Berlin, một cách để khách tham quan định hình được vị trí của mình khi vẫn đang chìm trong các bộ sưu tập của bảo tàng, và cũng là để dành lấy một chút thư giãn bên cạnh những xúc cảm lận lộn vui, buồn, đau thương, và sợ hãi mà cả bộ sưu tập và các không gian zigzac của bảo tàng tạo nên.

Kết thúc khu vực trưng bày chúng ta quay lại vị trí ban đầu, từ đây dẫn đến hai trục còn lại, tôi đã chọn Axis of Holocaust, con đường lạnh lẽo dẫn đến lò ga, mà trên thực tế là một giếng bằng bê tông trần thông với ánh sáng và bầu trời. Tôi đã chết lặng khi đứng giữa lò ga, bởi sự sợ hãi và đơn độc; cho dù nhìn thấy ánh sáng bầu trời và thậm chí nghe thấy cả tiếng ồn ào từ ngoài đường nhưng tiếng hét của bạn sẽ chẳng được ai nghe thấy để biết bạn đang ở đây, cho dù có muốn chạy thoát nhưng không thể bởi không thể vượt qua tường vây của những lò ga. Libeskind đã thành công khi ông khiến tất cả người xem đọc hiểu chính xác được hoàn cảnh đau thương của những người Do Thái đã bị đầy ải đến lò ga để kết thúc cuộc đời mình. Tôi cũng như các khách tham quan khác đều bị sốc và “sởn gai ốc” bởi cảm giác vô vọng và lạnh lẽo của không gian này.

Dọc theo Axis of Exile sẽ dẫn khách tham quan đến “khu vườn chạy trốn”, đúng theo con đường của lịch sử, trước thảm cảnh diệt chủng của phát xít Đức người Do thái đã chạy trốn đến nơi xa nhất có thể. Khi vừa bước ra vườn chúng ta sẽ đập vào mắt là một quần thể các cột bê tông đứng nghiêng đều và khá cao. Tôi cứ đi mà chẳng biết hướng nào sẽ thoát khỏi đây, mình bị ám ảnh bởi một nỗi nguy hiểm gì đó rất lạ và luôn cho rằng nguy hiểm kia đang ở ngay sau lưng và sẽ ập đến lúc nào không biết, nếu đi đúng thì sẽ vượt qua được, còn nếu không bạn sẽ bị lạc lối và bị quay trở lại lúc nào không hay. Đó giống như cái vòng luẩn quẩn trong suốt nhiều năm chạy trốn của người Do Thái trong chiến tranh thế giới thứ hai, họ tìm đến ẩn mình ở những nước châu Âu xung quanh, nhưng thật đáng tiếc sau đó phát xít Đức bành trướng ngày một rộng hơn trên toàn châu Âu, họ vẫn không thoát được vòng diệt chủng nguy hiểm nơi lò ga nếu như họ không thoát ly hoàn toàn bằng cách vượt đại dương tìm đến những châu lục khác như châu Mỹ.

Với bảo tàng này tôi cảm thấy có lẽ du khách sẽ ít chú ý đến bộ sưu tập hơn bởi bản thân không gian kiến trúc đã đẹp và đủ ngôn ngữ để truyền đạt ý tưởng của mình. Đây cũng là một thực tế đã được ghi nhận: khi công trình vừa hoàn thiện xong và chưa có trưng bày gì thì bảo tàng đã thu hút 350.000 khách tham quan bởi kiến trúc mới và độc đáo. Cũng vì tính độc đáo này mà công trình đã là tâm điểm của những cuộc tranh cãi liên quan đến chính trị và kinh tế của nước Đức trong nhiều năm.

Với tôi đây là một thiết kế kiến trúc đẹp, người kiến trúc sư đã có một giải pháp đúng và hoàn hảo cho một bảo tàng phức tạp về nội dung biểu hiện; giải pháp kiến trúc cũng thành công trong việc truyền tải nội dung đến khách tham quan một cách trực quan, trực tiếp và ấn tượng mạnh đến cảm xúc. Thành công này đã đưa Daniel Libeskind trở thành Kiến trúc sư thiết kế duy nhất cho tất cả các bảo tàng Do Thái trên khắp thế giới.

Holocaust Memorial (Đài tưởng niệm Holocaust)

Ảnh chụp bởi KTS Phạm Mai Hương – PMH Studio, 2008.

Một công trình tưởng niệm khác về người Do thái ở Berlin cũng vừa được hoàn thành cách đây ba năm, đó là Đài tưởng niệm các cuộc thảm sát người Do Thái của phát xít Đức (Holocaust Memorial). Nằm ngay giữa trung tâm Berlin nơi chứa đựng nhiều các tác phẩm kiến trúc khác nhau, đài tưởng niệm Holocaust cũng thu hút được sự chú ý đặc biệt của du khách bởi vẻ bên ngoài tưởng như không có gì nhưng lại vô cùng hấp dẫn. Nói đến đài tưởng niệm ai cũng sẽ nghĩ đến một thiết kế kiến trúc ấn tượng và dễ đập vào mắt, nhưng ở đây, chúng ta sẽ dễ lờ đi một bãi đất trống, khá bằng phẳng, chỉ có các cục bê tông trần màu ghi xám. Lúc đầu chúng ta sẽ tưởng đó chỉ là loạt ghế ngồi nghỉ cho du khách, càng tiến tới ta lại thấy các tảng bê tông tiếp theo và lối đi sâu dần xen kẽ chúng dẫn dắt sự tò mò của du khách muốn biết xem những cột bê tông tiếp theo sẽ là cái gì, và ai cũng bị thu hút đi tiếp đi tiếp cho đến khi bị chìm hoàn toàn trong cả một rừng các cột bê tông trần lúc nào không hay. Đứng lẻ loi một mình không biết hướng nào để tiếp tục, tôi có cảm giác mình đang đứng ngay bên cạnh các linh hồn lạnh giá của những người Do Thái đã nằm xuống nơi đây, mỗi cột bê tông là một linh hồn và tôi dường như nghe thấy tiếng rì rầm trò chuyện giữa họ với nhau. Điều này cũng có thể thật vì chính mảnh đất xây tượng đài đã là nơi vùi xác tập thể lớn nhất của những nạn nhân Do Thái. Một cảm giác sợ hãi, vô phương hướng, chỉ duy nhất còn lại bầu trời để ngước lên nhưng cũng bị mù mờ và đầy vô vọng.

Đến cuối của khu tưởng niệm sẽ là đường dẫn xuống khu trưng bày trong nhà nằm ngầm dưới mặt đất, kể về trình tự các sự kiện lịch sử đau thương đã diễn ra trong suốt những năm của thế chiến thứ hai

Hai công trình tưởng niệm mới này của Berlin đã là điểm thu hút du khách rất lớn trong vài năm gần đây. Không cần phải dung nhiều ngôn ngữ, hai công trình trên đã đủ để cho tất cả chúng ta hiểu và đầy cảm thông với những đau thương mà một dân tộc đã từng chịu đựng. Giờ đây, người Do Thái là một cộng đồng mạnh không chỉ ở Đức mà còn ở các nước phát triển khác.

3-Sự vá víu tuyệt hảo

Những ngôi nhà cũ còn lại sau chiến tranh vẫn được giữ lại dù còn rất ít, các công trình mới sẽ được thiết kế để hoà hợp với các di sản trong thành phố.
Ảnh chụp bởi KTS Phạm Mai Hương – PMH Studio, 2008.

Berlin bị tàn phá kiệt quệ sau những trận bom hồi cuối chiến tranh thế giới lần thứ hai. Thành phố chỉ còn lại một lượng rất ít các công trình. Tuy nhiên người Berlin lại rất gìn giữ những giá trị kiến trúc còn lại ít ỏi đó. Họ giữ lại tất cả những gì có thể, từ một phần nhà còn lại đến một mảng tường còn sót lại của toà nhà. Và các kiến trúc sư đã tạo ra những phần xây mới như những mảnh vá tuyệt hảo cho công trình, làm cho công trình hoà nhập rất hợp lý, hài hoà, rất đẹp và ấn tượng, hiện đại và rất sang trọng. Ở đây tôi muốn giới thiệu với bạn đọc hai công trình tiêu biểu: Toà Quốc hội Đức được thiết kế cải tạo bởi KTS Sir Norman Foster; Gallery Am Kupfergraben 10 do văn phòng kiến trúc sư David Chipperfield thiết kế.

Tòa Quốc hội Berlin – Reichstag

Nguồn ảnh: www.wikipedia.com

Nguồn ảnh: www.wikipedia.com

Tòa Quốc hội Berlin – Reichstag- bị bom của quân Đồng minh phá huỷ một phần trong chiến tranh thế giới thứ hai, sau đó cũng không được cải tạo và sử dụng do những khó khăn về kinh tế trong những năm sau chiến tranh. Đến năm 1992 Kiến trúc sư Norman Foster thiết kế cải tạo cho toà nhà bằng việc tạo một vòm thép kính mới (dome) trên đỉnh phòng họp của quốc hội. Ý tưởng của thiết kế kiến trúc là giảm bớt tối thiểu sự ngăn cách giữa các chính trị gia với quần chúng nhân dân. Về tổng thể Vòm kính thép của toà Quốc hội nằm khá khiêm tốn trong đô thị. Người ta có thể nhận ra nó không khó khăn nhưng tỉ lệ mái vòm tương xứng với toà nhà cũ; vật liệu của kính và thép trong trẻo ghi nhạt mang màu ghi nhạt cũng rất hợp với màu sắc của bề mặt đá cũ của toà nhà cũ cũng như những toà nha xung quanh. Vào buổi hoàng hôn, Vòm kính thép này sáng bừng lên giữa bầu trời ngả tối, Khi bước vào bên trong rồi chúng ta mới cảm nhận hết sự sang trọng của vật liệu và nghệ thuật chiếu sáng. Vòm kính thép mới sử dụng vật liệu thép và kính hiện đại với một đường dốc hình xoắn ốc dẫn lên tận sân mái có tầm nhìn 360 độ ra toàn bộ khu trung tâm thành phố Berlin.

Ảnh chụp bởi KTS Phạm Mai Hương – PMH Studio, 2008

Từ bất kỳ vị trí nào trên Vòm kính thép này đều có thể nhìn xuống được phòng họp của Quốc hội phía bên dưới, điều này có nghĩa mọi người dân đều có thể được quan sát trực tiếp những đại biểu quốc hội của mình. Đồng thời cũng từ vòm kính này là một giếng gương thu ánh sáng tự nhiên và đưa xuống tận dưới phòng họp. Sự kết hợp về vật liệu, chiếu sáng tự nhiên và nhân tạo và nhất là một không gian kiến trúc hiện đại trong lòng một vỏ bọc cũ đã khiến Reichstag là một trung tâm của du khach đến Berlin.

Gallery Am Kupfergraben 10

Ảnh chụp bởi KTS Phạm Mai Hương – PMH Studio, 2008.

Gallery Am Kupfergraben 10 đã đoạt giải nhất của giải thưởng Fritz Hoger 2008 của Đức về thể loại thiết kế kiến trúc công trình Văn phòng và Công trình Công cộng.

Đây là một công trình hiện đại nhưng không lặp lại những gì của quá khứ. Tổ hợp bốn tầng nhà tương ứng với tầng cao của các toà nhà cũ xung quanh. Bề mặt ốp đá sandstone thể hiện sự hoà hợp về vật liệu xung quanh. Kiến trúc sư thiết kế các cửa sổ có cấu tạo từ các khung gỗ tự nhiên với tỉ lệ khá lớn để tương xứng với kích thước của các công trình khác trong khung cảnh hiện trạng. Những ô cửa sổ này đã giúp định hình mặt đứng cho công trình tương xứng với tỉ lệ công trình đô thị của khu vực. Toà nhà này liên kết tốt với các công trình xung quanh về mặt chiều cao công trình, và chỉ toạ lạc trên phần đất của phần nhà cũ bị phá trong chiến tranh trong khi vẫn tự tạo ra cho riêng mình vẻ tạo hình riêng.

Thời gian năm ngày tham quan Berlin tôi thấy thật quý giá vì mình đã được chiêm ngưỡng những tác phẩm kiến trúc đẹp và nổi tiếng. Tuy nhiên đó mới chỉ là một phần của những gì Berlin, vẫn sẽ còn rất nhiều nơi nữa, nhiều công trình khác nữa để tham quan. Tôi hi vọng có một ngày nào đó sẽ có dịp quay lại Berlin và được nghiên cứu thêm về kiến trúc của thành phố hiện đại này. Và nếu ai có dịp đặt chân đến châu Âu thì cũng nên dừng chân tại Berlin để được hiểu hơn về một thủ đô kiến trúc hiện đại của châu Âu

© 2024 PMH STUDIO. Designed by PMH STUDIO and Developed by LinxHQ Vietnam.